Mô hình GPS - Quy trình 3 bước giúp marketer viết lách hiệu quả

16 tháng 12, 2022 bởi
Diễm My

Có một lầm tưởng tai hại trong giới marketing: Nhà tiếp thị không phải là nhà văn nên họ không cần viết tốt.  Thế nhưng tác giả Michael Stelzner của Social Media Examiner lại đưa ra một quan điểm trái ngược. Ông cho rằng chính marketer phải là người thuần thục kỹ năng viết lách. Nhằm giúp các marketer sản xuất nội dung chính xác và hiệu quả, ông Stelzner đã giới thiệu mô hình viết GPS.

“Nhà tiếp thị cũng là một người viết” 


Mặc cho sự nổi lên của các định dạng audio và video ngắn, chữ viết vẫn là một công cụ quan trọng trong tiếp thị. Trên thực tế, phần lớn hoạt động tiếp thị đều lấy việc viết làm nền tảng. Nếu làm video, marketer vẫn cần viết kịch bản. Nếu triển khai podcast, ai dám loại bỏ khâu viết ý tưởng ra khỏi quy trình? Chưa kể viết còn liên quan tới nhiều hoạt động nhỏ lẻ khác như giao tiếp qua văn bản, lập danh sách việc cần làm, lập kế hoạch nội dung cho tuần/tháng/năm. Chính vì vậy, tác giả Michael Stelzner mới cho rằng viết là cơ sở cho mọi hoạt động tiếp thị, và mỗi marketer cũng chính là một người viết.

Mô hình GPS

Nhà tiếp thị cũng là người viết

Thế nhưng, không phải nhà tiếp thị nào cũng có thể viết mạch lạc và rõ ràng, nếu chưa nói đến việc viết sáng tạo và độc đáo. Con người có xu hướng sợ hãi khi làm những gì họ không giỏi. Chính vì vậy, một số marketer cảm thấy lo lắng, ám ảnh khi viết. “Chúng tôi trì hoãn nó, khổ sở khi sắp xếp từng câu, chán nản khi lặp lại những lời sáo rỗng và cuối cùng là xuất bản một lố hỗn tạp mà không hề thấy hài lòng”, tác giả Michael Stelzner nói. 

Tuy nhiên kỹ năng viết hoàn toàn có thể cải thiện bằng cách thực hành đều đặn. Trong bài viết đăng tải trên Social Media Examiner, ông Stelzner đã giới thiệu mô hình GPS để giúp các nhà tiếp thị viết chính xác và hiệu quả hơn. 

GPS là gì?


GPS là một thuật ngữ trong ngành ô tô, dùng để mô tả ứng dụng định vị và chỉ đường. Tương tự, GPS trong viết lách là một quy trình để người viết biết đi đúng hướng, có thể dựa vào đó để chuyển hóa ý tưởng thành một văn bản hoàn chỉnh.

GPS trong viết lách là một quy trình để người viết biết đi đúng hướng

GPS trong viết lách là một quy trình để người viết biết đi đúng hướng

Mô hình này giúp giải quyết 2 nỗi sợ mà marketer thường gặp phải khi viết: “Sợ sai chính tả, ngữ pháp” và “Sợ tạo ra nội dung dở tệ không truyền tải được toàn bộ ý tưởng ban đầu”. 

Theo đó, GPS sẽ hướng dẫn marketer viết theo một quy trình gồm 3 giai đoạn: 

G: Viết tắt từ “Go”, có nghĩa là Đi.

P: Viết tắt từ “Push”, có nghĩa là Đẩy.

S: Viết tắt từ “Shine”, có nghĩa là Đánh bóng.

Tìm hiểu lần lượt 3 giai đoạn và những bài học rút ra từ đó!

1. G - Go 

Bí quyết để viết tốt là không hấp tấp viết ngay sau khi nhận đề tài. Thay vào đó, marketer cần dành thời gian nghiên cứu và lập kế hoạch. Nghiên cứu càng kỹ, quá trình viết sẽ càng nhanh chóng và dễ dàng.

Mô hình GPS

Nghiên cứu càng kỹ, quá trình viết sẽ càng nhanh chóng và dễ dàng

Vì vậy ở giai đoạn G, marketer sẽ làm quen với 4 bước khởi động trước khi viết: 

Bước 1: Đặt mục tiêu cho bài viết

Bước 2: Tìm hiểu độc giả

Bước 3: Tìm kiếm dữ liệu

Bước 4: Sắp xếp ý tưởng

Bước 1: Đặt mục tiêu cho bài viết

Mỗi bài viết nên có một mục tiêu riêng. Mục tiêu ở đây có thể là cung cấp kiến thức về ngành nghề, thu hút người theo dõi mới, quảng bá sản phẩm hay dịch vụ. Nguyên tắc ở đây là, mỗi bài viết chỉ nên tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Nếu có nhiều hơn hai hoặc ba, độc giả có thể bị bối rối vì không biết nên tập trung vào điều gì. 

Gợi ý: Viết mục tiêu thành một dòng ngắn và đặt nó ở đầu bài. Như vậy, người viết sẽ luôn nhớ đích đến cuối cùng của văn bản này là gì, tránh bị sai hướng hoặc rối dàn ý.

Mỗi bài viết nên có một mục tiêu riêng

Mỗi bài viết nên có một mục tiêu riêng

Bước 2: Tìm hiểu độc giả

Khi viết, người làm tiếp thị cũng nên ghi nhớ bản thân đang viết cho ai. Nội dung nhàm chán thường là vì marketer viết nội dung phục vụ cho chính mình, cho đồng nghiệp, người trong ngành, thương hiệu hoặc ban giám đốc thay vì viết cho khách hàng - đối tượng mục tiêu chính của nội dung.

Để hiểu hơn về độc giả, marketer có thể trả lời lặp lại câu hỏi “Vậy thì sao?”. Ví dụ: “Độc giả đọc bài viết này rồi thì sao?” Các câu trả lời sẽ có nhiều tầng thông tin hơn sau mỗi lần tự chất vấn:

  • Nhờ vậy, khách hàng có thể nhận được bản tin thường xuyên từ thương hiệu của tôi.

  • Nhờ vậy, họ có thể đọc những lời khuyên kinh doanh chuyên nghiệp, cập nhật.

  • Nhờ vậy, họ sẽ cảm thấy hiểu biết và tự tin về quyết định mua hàng.

  • Nhờ vậy, họ có thể phát triển chính bản thân và doanh nghiệp của họ.

Bước 3: Thêm dữ liệu

Bổ sung nhiều dữ liệu trong bài viết sẽ khiến độc giả tin tưởng vào nội dung hơn.

  • Thống kê, sự kiện và số liệu.

  • Trích dẫn từ các chuyên gia trong ngành.

  • Đánh giá từ các khách hàng khác.

Mô hình GPS

Bổ sung nhiều dữ liệu trong bài viết sẽ khiến độc giả tin tưởng vào nội dung hơn

Bước 4: Sắp xếp ý tưởng

Cuối cùng, marketer nên nghĩ về định dạng bài viết. Định dạng có thể là tin nhắn nội bộ, email, một bài viết long-form (bài dài), tin vắn, bài đăng mạng xã hội. Sau khi đã xác định định dạng, người viết sẽ dễ dàng sắp xếp tư liệu, ý tưởng sao cho phù hợp với nội dung đó. 

2. P - Push

Giai đoạn P bao gồm 2 bước: Viết bản nháp và viết lại hoàn chỉnh. 

Bước 1: Viết bản nháp 

Với một người viết chuyên nghiệp, bản nháp đầu tiên của họ có thể đã đủ tốt để dùng được ngay. Tuy nhiên những marketer chập chững tập viết thì cũng không nên áp lực nếu bản nháp đầu tiên quá… tệ. Michael Stelzner cho rằng: “Bản nháp đầu có thể không mạch lạc, dở và vô dụng nhưng bạn đừng vội nản chí. Vai trò quan trọng nhất của bản nháp chính là giúp bạn đưa ý tưởng ra khỏi đầu. Chúng không nhất thiết phải hoàn hảo.”

Như vậy, ở công đoạn này, marketer có thể chỉ cần điền vào trang, gạch đầu dòng. Thậm chí một số người còn chọn cách ghi âm và sau đó phiên âm ra thành văn bản.

Mô hình GPS

Bản nháp đầu có thể không mạch lạc, dở và vô dụng

Bước 2: Viết lại

Ở bước này, marketer biến bản nháp ban đầu thành một nội dung có thể sử dụng được. Điều đầu tiên marketer cần làm chính là “thoát vai” người viết, cách ly bản thảo một thời gian. Sau khi quay trở lại, marketer có thể đọc với tâm thế là một độc giả, nhờ vậy họ có thể nhận ra nhiều lỗi sai ngớ ngẩn và vô số điểm cần chỉnh sửa. 

3. S - Shine

Trên thực tế, một bài viết đưa đến tay độc giả đã trải qua nhiều lượt chỉnh sửa, kể cả đó là bài viết của một nhà văn chuyên nghiệp. Chính vì vậy, marketer càng không thể bỏ qua bước chỉnh sửa nếu muốn tạo ra nội dung chỉn chu. 

Marketer có thể cân nhắc quy trình chỉnh sửa 3 bước sau đây:

Bước 1: Sử dụng công cụ kiểm tra chính tả

Ngày nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ người viết kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp và thậm chí độ mượt, bối cảnh của câu. Grammarly hoặc Hemingway là hai ứng dụng nổi bật giúp chỉnh sửa nội dung bằng tiếng Anh. Với văn bản tiếng Việt, marketer có thể dùng các phần mềm như Google Docs, VCatSpell, Tummo Spell.

Grammarly là ứng dụng nổi bật giúp chỉnh sửa nội dung bằng tiếng Anh

Grammarly là ứng dụng nổi bật giúp chỉnh sửa nội dung bằng tiếng Anh

Bước 2: Nhờ người khác đọc qua

Thay vì dùng trình chỉnh sửa A.I, marketer có thể nhờ người khác đọc qua bài viết của mình, đơn cử như một biên tập viên hiểu rõ chủ đề, nội dung và phong cách viết của nhân sự. Bằng cách đó, họ sẽ hiểu những gì bạn đang cố gắng viết và đưa ra lời khuyên chỉnh sửa nếu có.

Bước 3: Đọc văn bản thành tiếng

Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng cách làm này sẽ giúp marketer nhận ra bài viết của mình có tự nhiên, mượt mà không. Marketer cũng dễ dàng phát hiện những chỗ văn bản khó hiểu hoặc đi chệch hướng. Những lỗi sai này thường khó nhìn thấy hơn khi đọc bằng mắt.

Theo Advertising Vietnam

Đoạn trích sống động sẽ được hiển thị tại đây... Thông báo này xuất hiện vì bạn đã không cung cấp cả bộ lọc và mẫu để sử dụng.
Chia sẻ bài này